KẾT QUẢ ĐỊA VẬT LÝ – TÀI LIỆU QUÝ GIÁ LÀM TĂNG HIỆU QUẢ ĐIỀU TRA CƠ BẢN ĐỊA CHẤT, ĐÁNH GIÁ KHOÁNG SẢN

Pinterest LinkedIn Tumblr +

Là một đơn vị có uy tín và năng lực trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về địa vật lý, năm 2021, Liên đoàn Vật lý Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ TN&MT) đã đạt được những thành quả rất đáng quý trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

Mặc dù công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ này còn chậm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và nhiều nguyên nhân khách quan khác, nhưng sản phẩm của các nhiệm vụ bay đo địa vật lý, điều tra, đánh giá khoáng sản, điều tra địa chất công trình, môi trường địa chất đã khẳng định hiệu quả của hệ thống trang thiết bị địa vật lý hiện đại và đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên nghiệp của Liên đoàn.

Kết quả của công tác đo địa vật lý đã được chứng minh trong các đề án mà Liên đoàn chủ trì và phối hợp thực hiện với các đơn vị khác, là nguồn tài liệu quý giá phục vụ hiệu quả cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản, nghiên cứu địa chất công trình, môi trường địa chất.

Đặc biệt, kết quả của công tác đo địa vật lý được thực hiện trong các đề án thành phần thuộc đề án: “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội” đã xác định được rõ các yếu tố cấu trúc liên quan đến quặng hóa, quy mô phát triển của các đới khoáng hóa chứa quặng, định hướng tốt cho công tác khoan và các bước thi công tiếp theo. Kết quả đạt được tiếp tục khẳng định vị thế của Liên đoàn Vật lý Địa chất cũng như chuyên ngành địa vật lý trong công tác điều tra, đánh giá khoáng sản, nhất là khoáng sản ẩn sâu.

Bên cạnh các nhiệm vụ trên, Liên đoàn còn thực hiện các nhiệm vụ sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ. Trong đó, các đề tài kết thúc năm 2021 đã hoàn thành những sản phẩm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất cao.

Nổi bật là kết quả của đề tài: “Nghiên cứu, lựa chọn và áp dụng các thuộc tính địa chấn để xử lý, minh giải nhận diện than trong trũng Sông Ba”. Tập thể tác giả đã nghiên cứu bản chất các loại thuộc tính địa chấn, nghiên cứu các phần mềm xử lý để lựa chọn các thuộc tính địa chấn, cùng với đó nghiên cứu sự khác biệt giữa tập chứa than và không chứa than để chọn các thuộc tính có khả năng nhận diện than và áp dụng các thuộc tính đó trên dữ liệu địa chấn. Tập thể tác giả đã xây dựng được hệ phương pháp xác định dấu hiệu tồn tại (tập/vỉa) than theo các thuộc tính địa chấn, xây dựng được mô hình địa chất vỉa than trên trũng Sông Ba.

          Kết quả công tác đo địa chấn đã xác định được bồn trũng Sông Ba có chiều sâu đến đáy lớn hơn 2000m trong đó có tiềm năng chứa khoáng sản than. Đây cũng là tiền đề quan trọng để các nhà địa chất tiếp tục nghiên cứu tiềm năng của các loại khoáng sản khác trong khu vực bồn trũng Sông Ba. 

Ông Lại Mạnh Giàu – Liên đoàn trưởng Liên đoàn Vật lý Địa chất nhấn mạnh, trũng Sông Ba cần tiếp tục nghiên cứu chi tiết hơn nữa và cần phải có một số hố khoan sâu để khẳng định tiềm năng than và các loại khoáng sản khác như: uran, khí…

Phương pháp đo sâu từ tellua
Phương pháp đo sâu ảnh điện phân cực kích thích

(Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, số Xuân Nhâm Dần – 2002, trang 100)

Share.

Leave A Reply

LIÊN ĐOÀN VẬT LÝ ĐỊA CHẤT

Website: https://vatlydiachat.gov.vn/
Địa chỉ cơ quan: Số 1 Ngõ 95 đường Chiến Thắng, phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243 8540448
Fax: 0243 8542223
Email: ldvldc@monre.gov.vn