Trung Tâm Công nghệ và Kiểm định máy địa vật lý

Pinterest LinkedIn Tumblr +

Trung Tâm Công nghệ và Kiểm định máy địa vật lý

             Ông Trần Anh Tuấn

Giám đốc Trung tâm  (từ năm 2011 đến nay)

Ông Hoàng Hải Hà

Phó giám đốc Trung tâm (từ năm 2018 đến nay)

Cán bộ, viên chức Trung tâm Công nghệ và Kiểm định máy ĐVL

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Địa vật lý tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng được thành lập năm 1987. Và đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Địa vật lý từ năm 1992. Năm 2018 được sát nhập với phòng Kiểm định máy và đổi tên là Trung tâm Công nghệ và Kiểm định máy địa vật lý Kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng ĐVL

Lãnh đạo qua các thời kỳ

Ông: Lê Văn Vượng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Địa vật lý (1987-1995)

Ông: Nguyễn Ngọc Chân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Địa vật lý (1995-2008)

Ông: La Thanh Long – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Địa vật lý (2008-2009)

Ông: Nguyễn Thế Hùng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Địa vật lý (2009-2010)

Ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Địa vật lý (2010-2018)

Ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Kiểm định máy địa vật lý (2018- đến nay)

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Trung tâm Công nghệ và Kiểm định máy địa vật lý trực thuộc Liên đoàn Vật lý Địa chất có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức được quy định tại Quyết định số 231/QĐ-ĐCVN ngày 14/2/2023 của Cục Địa chất Việt Nam.

I. Vị trí và chức năng

1. Trung tâm Công nghệ và Kiểm định máy địa vật lý là đơn vị trực thuộc Liên đoàn Vật lý Địa chất, có chức năng tổ chức thực hiện công tác hiệu chuẩn, kiểm định các máy và thiết bị đo lường địa vật lý; nghiên cứu ứng dụng các phương pháp địa vật lý phục vụ điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và thăm dò khoáng sản; điều tra địa chất môi trường, địa chất công trình – địa chất thủy văn và tai biến địa chất; thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công về địa chất, khoáng sản theo quy định pháp luật.

2. Trung tâm Công nghệ và Kiểm định máy địa vật lý có con dấu riêng, hạch toán phụ thuộc Liên đoàn Vật lý Địa chất, được mở tài khoản tại Ngân hàng theo quy định của pháp luật; trụ sở tại Hà Đông, thành phố Hà Nội.

II. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Tham gia xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm của Liên đoàn; các đề án, dự án điều tra địa vật lý phục vụ công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, thăm dò khoáng sản, địa chất môi trường, địa chất công trình-địa chấtthủy văn, tai biến địa chất trên đất liền phạm vi cả nước; dự án đầu tư phát triển của Liên đoàn.

2. Thực hiện các hạng mục công việc Nhà nước đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ do Liên đoàn giao theo kế hoạch hàng năm về thực hiện công tác hiệu chuẩn, kiểm định các máy và thiết bị đo lường địa vật lý; nghiên cứu ứng dụng các phương pháp địa vật lý phục vụ điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và thăm dò khoáng sản; điều tra địa chất môi trường, địa chất công trình – địa chất thủy văn và tai biến địa chất.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Liên đoàn, gồm:
a) Tham gia xác định chi phí hoàn trả việc sử dụng thông tin dữ liệu địa chất, lượng hóa và hạch toán giá trị tài nguyên địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.
b) Quản lý bảo dưỡng và sửa chữa máy, thiết bị địa vật lý của Liên đoàn; bảo dưỡng và sửa chữa máy, thiết bị địa vật lý cho ngành. Phân tích mẫu tham số vật lý theo quy định của pháp luật và phân công của Liên đoàn trưởng.
c) Lưu giữ, bảo quản kho mẫu phóng xạ theo quy định.
d) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp địa vật lý phục vụ điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, địa chất công trình, điều tra môi trường và tai biến địa chất, thành lập và biên tập để xuất bản các bản đồ chuyên đề địa vật lý môi trường.

4. Thực hiện các hoạt động dịch vụ về địa chất, khoáng sản, gồm:
a) Tổ chức thi công các hạng mục công việc thuộc các hợp đồng dịch vụ địa chất, khoáng sản do Liên đoàn ký và giao đơn vị thực hiện.
b) Thực hiện các dịch vụ về địa chất, khoáng sản theo phân cấp, ủy quyền của Liên đoàn trưởng về: địa vật lý, địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường, địa chất công trình- địa chất thuỷ văn, tai biến địa chất và các dịch vụ khác về địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện quy trình, quy phạm kỹ thuật trong sản xuất; thực hiện công tác an toàn lao động và vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong hoạt động của đơn vị theo quy định.

6. Nghiệm thu nội bộ các nhiệm vụ, công việc hoàn thành của đơn vị, trình Liên đoàn nghiệm thu cơ sở các nhiệm vụ được Liên đoàn giao.

7. Quản lý tài chính, tài sản và máy móc thiết bị được Liên đoàn giao; Quản lý tổ chức, vị trí việc làm; viên chức, người lao động; thực hiện cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước và theo phân cấp của Liên đoàn trưởng.

8. Thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.

9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Liên Đoàn trưởng giao.

III. Cơ cấu tổ chức

Tổng số cán bộ, viên chức và người lao động của Trung tâm CN&KĐM ĐVL là 35. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Thạc sĩ 6; Đại học: 19; Cao đẳng: 1; Trung cấp: 1; Công nhân: 8.

Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Trung tâm Công nghệ và Kiểm định máy địa vật lý có Giám đốc và các Phó Giám đốc. Số lượng Phó Giám đốc thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Giám đốc chịu trách nhiệm trước Liên đoàn trưởng và trước pháp luật về mọi hoạt động của Trung tâm và các nhiệm vụ được giao; xây dựng nội quy đơn vị; ký các văn bản chuyên môn, nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và các văn bản khác theo ủy quyền của Liên đoàn trưởng.
3. Phó Giám đốc giúp việc Giám đốc, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được Giám đốc phân công.
4. Viên chức và người lao động của Trung tâm thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo phân công của Giám đốc và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về nhiệm vụ được phân công.

Tóm tắt những thành quả đạt được

Với nhiệm vụ chính của những năm gần đây của Trung tâm là thi công các nhiệm vụ liên quan môi trường phóng xạ trên địa bàn toàn quốc. Ngoài ra, thực hiện các nhiệm vụ sản xuất dịch vụ địa chất trong các lĩnh vực: công trình, thủy văn, khoáng sản…

Với bề dày kinh nghiệm trong công tác điều tra, đánh giá môi trường phóng xạ toàn quốc. Trung tâm đã thực hiện hàng chục đề án về môi trường.

Từ năm 1992, Trung tâm đã tiến hành điều tra địa vật lý môi trường cho hàng loạt các đô thị như: Đà Nẵng – Hội An (1992-1994), Điện Biên – Sơn La (1993-1994), Huế – Đông Hà – Đồng Hới (1995-1996), Vinh – Thanh Hoá (1995-1996), Buôn Ma Thuột – Pleiku (2001), Nha Trang – Cam Ranh – Phan Thiết (2006)…. Ngoài ra, Liên đoàn còn phối hợp với các đơn vị khác tiến hành điều tra địa vật lý môi trường ở Lào Cai – Yên Bái, Hà Nội – Hải Phòng, Tân An – Mỹ Tho – Bến Tre, Tây Ninh – Thủ Dầu Một, Trà Vinh – Vĩnh Long và trên một số đảo phía Bắc.

Đã thực hiện một số đề án lớn như:

Năm 1996 đến năm 2005 đã thực hiện đề án “Áp dụng quy trình xử lý tổng hợp các tài liệu bay đo từ phổ gamma, trọng lực để nghiên cứu phân vùng triển vọng khoáng sản nội sinh” cho tất cả các đề án đã bay đo trước năm 1996. Kết quả đã khoanh vẽ được nhiều diện tích dự báo triển vọng khoáng sản, đã tiến hành phổ tra mặt đất và phát hiện được các mỏ mới như: vàng các vùng APey – ADang (Thừa Thiên – Huế), vùng Bình Điền (Thừa Thiên – Huế); magnesit – Gia Lai; hoặc xử lý tài liệu bay đo phổ tia gamma để nghiên cứu triển vọng quặng sa khoáng chôn vùi ven biển Quảng Nam – Quảng Ngãi.

Đề án: “Biên tập để xuất bản, bản đồ phân vùng điện trở suất Việt Nam tỷ lệ 1: 1000.000”. Kết quả của đề án là thành lập được bản đồ phân vùng điện trở suất đất Việt Nam tỷ lệ 1: 1000.000 phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội đất nước..

Đề án: “Biên tập bản đồ phóng xạ Việt Nam tỷ lệ 1: 1000.000” Kết quả của đề án là lần đầu tiên thành lập được phóng xạ Việt Nam tỷ lệ 1: 1000.000 phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, công tác quản lý và điều tra môi trường phóng xạ tiếp theo.

Đề án: “Thành lập bản đồ phông bức xạ tự nhiên Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000”. Kết quả của đề án là lần đầu tiên thành lập được bộ bản đồ phông bức xạ tự nhiên Việt Nam tỷ lệ 1: 1000.000 phục vụ cho công tác quản lý và điều tra môi trường tiếp theo.

Dự án “Đánh giá chi tiết các diện tích ô nhiễm phóng xạ tự nhiên vùng Tây Bắc Việt Nam để thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp lập kế hoạch và triển khai thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm giảm đến mức thấp nhất tác hại đối với con người”.

Đề án “Xây dựng bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1/250.000 cho toàn lãnh thổ Việt Nam – Giai đoạn I (2011-2015) cho một số khu vực trọng điểm”.

Đề án: Công tác bảo vệ môi trường thuộc Đề án: “Thăm dò quặng urani khu Pà Lừa – Pà Rồng huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam”

Đề tài KHCN “Xác lập cơ sở khoa học phục vụ thành lập bản đồ trường phóng xạ tự nhiên từ các số liệu đo phổ gamma hàng không. Thử nghiệm tại khu vực Ninh Thuận và Quảng Nam”. Mã số TNMT.2017.03.09

Hiện nay, đang tiến hành các đề án lớn:

Đề án “Xây dựng bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1/250.000 cho toàn lãnh thổ Việt Nam – Giai đoạn II (2018-2012) cho các tỉnh biên giới và ven biển phía bắc”

Thi công một số hạng mục thuộc Dự án “Điều tra, đánh giá và thành lập bộ bản đồ môi trường khoáng sản độc hại trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền – Giai đoạn 1).

Các sản phẩm chủ yếu của công tác điều tra địa vật lý môi trường là các bản độ trường bức xạ tự nhiên môi trường (µR/h), bản đồ tổng suất liều chiếu tương đương (mRem/năm hoặc mSv/năm) cho từng vùng nghiên cứu, cho phép xác định tình trạng ô nhiễm bức xạ tự nhiên môi trường trên vùng khảo sát, để từ đó có những khuyến cáo về những biện pháp phòng tránh kịp thời bảo đảm an toàn cho dân cư và cho các hoạt động xã hội.

Ngoài nghiên cứu môi trường phóng xạ, Trung tâm đã triển khai áp dụng tổ hợp các phương pháp: địa chấn khúc xạ, đo rađon khí đất, đo hơi thuỷ ngân khí đất, đo tổng hoạt độ alpha, đo gamma mặt đất… trong nghiên cứu, điều tra tai biến địa chất ở các vùng: Kon Tum, Ia Băng, Jave, Đắk Lắk, Nha Trang – Cam Ranh – Phan Thiết, Cam Đức, Cam Thịnh Đông…

Ngoài ra, Trung tâm đã triển khai áp dụng rộng rãi tổ hợp các phương pháp địa vật lý trong các dịch vụ sản xuất thuộc các lĩnh vực địa chất, địa chất thuỷ văn, địa chất công trình. Ứng dụng phương pháp địa vật lý để thăm dò muối mỏ ở Noong Book – CHDCND Lào; Ứng dụng phương pháp địa vật lý để tìm kiếm nước dưới đất cho các đảo (Quan Lạn, Cái Lân, Cô Tô, Phú Quốc, Cát Bà, Ngọc Vừng…) và các vùng núi cao, các tỉnh biên giới (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái…). Ứng dụng các phương pháp địa vật lý khảo sát nền móng các công trình phục vụ xây dựng các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện, điện nguyên tử, các nhà máy xi măng, bãi lăn, bãi đỗ máy bay, hầm ngầm qua núi…; Ứng dụng các phương pháp địa vật lý khảo sát tai biến địa chất, sụt lún đất ở các khu vực: Cam Lộ – Quảng Trị; Quốc lộ 6 – Hòa Bình; Bằng Lũng – Bắc Cạn…

Ngoài ra, đội ngũ CBKT trung tâm tham gia và thực hiện hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu KHCN, kết quả nghiên cứu của đề tài được áp dụng có hiệu quả vào công tác sản xuất chung của ngành.

Ngành địa vật lý ở Việt Nam nói chung và Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam nói riêng, hiện đang sử dụng các máy và thiết bị đị vật lý rất đa dạng, nhiều thế hệ theo công nghệ phát triển từng thời kỳ trên thế giới. Hầu hết các máy được nhập ngoại từ nhiều nước phát triển như: Mỹ, Nga, Canada, Thủy Điển, Hungari, Trung Quốc… Hệ thống máy địa vật lý sử dụng để khảo sát địa chất và thăm dò khoáng sản bằng máy bay (trên không), tàu thủy (trên biển) và trực tiếp trên mặt đất, trong giếng khoan và trong hầm lò…. Đó là các máy: máy đo từ, xạ, phổ gamma, đo điện trở, điện phân cực, điện từ, từ tellua, địa vật lý lỗ khoan, địa chấn đất liền và biển, địa vật lý hàng không, tham số vật lý đá…

Các thành tạo địa chất, khoáng sản dưới đât đều có đặc trưng tham số địa vật lý của chúng và được ghi nhận dưới dạng các “dị thường địa vật lý” bằng các máy địa vật lý chuyên dụng. Theo thời gian và điều kiện tự nhiên (độ ẩm, nhiệt độ,…) các tham số đo ghi của các máy và thiết bị địa vật lý kể trên sẽ thay đổi không giữ nguyên được như các tham số chuẩn như khi xuất xưởng. Vì vậy, số đo sẽ bị sai khác cho nên các máy và thiết bị địa vật lý cần được kiểm chuẩn: kiểm tra máy còn hoạt động bình thường không, chuẩn các tham số đo ghi để hiệu chuẩn số liệu đo về đúng tham số của đối tượng. Cho nên, công tác “kiểm định máy địa vật lý” là một nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác đo đạc sử dụng các máy địa vật lý.

Những thập kỷ 80, 90 thế kỷ trước, đội ngũ cán bộ kỹ thuật rất động đảo, được đào tạo chuyên về công tác bảo quản, sửa chữa, kiểm chuẩn các máy địa vật lý. Vào thời kỳ này, đã thành lập Xưởng máy địa vật lý để. Công tác sửa chữa máy địa vật lý hàng không (máy đo từ phổ gamma do Canada sản xuất) phục vụ kịp thời cho công tác bay đo từ phổ gamma tránh lãng phí thời gian chờ đợi và tiết kiệm kinh phí cho nhà nước hàng triệu đồng (thời kỳ thập kỷ 80 thế kỷ trước). Cá nhân đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lao động”, đó là KS. Nguyễn Tử Ánh. Hiện nay, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng anh vẫn tham gia nhiều hoạt động về lĩnh vực: sửa chữa, chế tạo máy địa vật lý. Các máy Địa vật lý đã được anh chế tạo như: máy đo điện trở, máy đo xạ đường bộ, máy đo từ mặt đất, máy đo phổ gamma đa kênh, máy đo xạ đáy biển, máy đo từ biển… và nhiều nghiên cứu khoa học về lĩnh vực máy và thiết bị địa vật lý.

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm công tác kiểm định, sửa chữa máy địa vật lý ngoài những kiến thức khoa học điện tử còn phải hiểu biết thêm về khoa học địa vật lý và kinh nghiệm trong việc sử dụng máy và thiết bị địa vật lý. Với số nhân lực rất khiêm tốn 3 đến 4 người, nhưng đã kiểm chuẩn hàng ngàn lượt máy, ngoài ra cũng đội ngũ này có thể sửa chữa máy khi bị hỏng đáp ứng kịp thời cho công tác sản xuất và nghiên cứu của các đơn vị trong và ngoài ngành.

CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ VÀ KIỂM ĐỊNH MÁY ĐỊA VẬT LÝ

Ảnh: Kiểm tra thực địa thi công đề án môi trường Tây Bắc (2017)Ảnh: thi công đề án thành lập bản đồ môi trường 1/250.000 (2016)Ảnh: thi công thực địa đề án thăm dò muối mỏ Noong Book CHDCND Lào (2010)Ảnh: thi công thực địa đề án thăm dò muối mỏ Noong Book CHDCND Lào (2010)Thi công ban đêm đo địa chấn khảo sát sụt lún quốc lộ 6 Hòa bình (2015)Đo điện khảo sát sụt lún quốc lộ 6 Hòa bình (2015) Đo địa vật lý lỗ khoan đề án khai thác muối Lào (2015)                     Đo từ khảo sát nền móng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (2013) Chuẩn máy Đia vật lý thi công thăm dò muối mỏ tại CHDCND Lào 2010Ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kiểm tra An toàn bức xạ tại kho mẫu phóng xạ Lương Sơn – Hòa Bình (2017)Gặp mặt nữ CBVC trung tâm nhân ngày PNVN 20-10-2016Du xuân đầu năm ở Phủ Tây Hồ (2015)Trung tâm tổ chức cho CBVC và gia đình nghỉ mát ở Đà Nẵng (2016)

Share.

Leave A Reply

LIÊN ĐOÀN VẬT LÝ ĐỊA CHẤT

Website: https://vatlydiachat.gov.vn/
Địa chỉ cơ quan: Số 1 Ngõ 95 đường Chiến Thắng, phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243 8540448
Fax: 0243 8542223
Email: ldvldc@monre.gov.vn