Sáng 18-5, tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến hơn 37.000 điểm cầu tại các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương; các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và các điểm cầu cấp huyện, cấp xã, trên cả nước với hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự hội nghị tại các điểm cầu.
Tại điểm cầu Liên đoàn Vật lý Địa chất trực thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, dự hội nghị có các đồng chí Kiều Huỳnh Phương – Phó bí thư Đảng ủy, Phó Liên đoàn trưởng, đồng chí Quách Văn Hiểu – Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Liên đoàn cùng toàn thể các đảng viên trực thuộc các Chi bộ trong Liên đoàn.
Các đảng viên tham dự Hội nghị tại điểm cầu Liên đoàn Vật lý Địa chất
Hội nghi được nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính truyện đạt Chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW”., Thủ tướng nhấn mạnh 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân trong Nghị quyết 68-NQ/TW. Trong đó, khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài; xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân, coi doanh nhân là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Liên đoàn Vật lý Địa chất
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW”. Nội dung trọng tâm của chuyên đề, tập trung vào: Một số vấn đề về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc ban hành Nghị quyết 66; những mặt được và mặt tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua. Những nội dung trọng tâm, cốt lõi Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị (bao gồm quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp) và những nội dung trọng tâm của Nghị quyết 197, ngày 17-5-2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật để kịp thời thể chế hóa ngay các quyết sách của Nghị quyết 66 và những nội dung cơ bản trong kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 66 của Đảng ủy Quốc hội và Đảng ủy Chính phủ…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Sau gần 40 năm kiên trì thực hiện công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có thể nói là những thành tựu vĩ đại: kinh tế tăng trưởng liên tục, đời sống nhân dân được nâng cao, vị thế quốc tế không ngừng được củng cố.
“Chúng ta có quyền tự hào, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: phía trước còn nhiều thách thức gay gắt, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan, không được ngủ quên bên vòng Nguyệt quế, không được chậm trễ, càng phải không ngừng đổi mới, cải cách, phát huy mọi nguồn lực và động lực trong xã hội, trong nhân dân, triển khai một cách sâu sắc, toàn diện, quyết liệt, quyết tâm đạt được mục tiêu lớn đã đề ra. Những đổi mới, cải cách mà chúng ta đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc.” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cho biết, trong những hoạt động đổi mới, cải cách tập trung vào bốn đột phá, có 4 nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 57 của Bộ chính trị: thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng (đã được quán triệt học tập); Nghị quyết 68: phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
“Đến thời điểm hiện nay có thể gọi 4 Nghị quyết trên là “Bộ tứ trụ cột” để giúp chúng ta cất cánh. Vì vậy Tôi kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hãy chung tay, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, để cùng nhau đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt.” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cho biết: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng của toàn dân tộc và nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã đạt được những thành tựu toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; chúng ta đã vượt qua các cú sốc toàn cầu, kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, phục hồi nhanh nền kinh tế và giữ vững ổn định xã hội trong bối cảnh thế giới đầy biến động; chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được toàn vẹn; môi trường hòa bình được giữ vững; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao; đất nước tham gia sâu rộng vào các tiến trình hợp tác khu vực và toàn cầu, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, hệ thống an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện.
Tổng Bí thư đã điểm lại những tinh thần cốt lõi nhất của các nghị quyết và mối quan hệ tác động lẫn nhau, muốn đạt hiệu quả cao nhất thì chúng ta phải triển khai tốt đồng thời các nghị quyết.
Tổng Bí thư khẳng định: Bốn nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Mặc dù mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu, chúng liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện.
Cả bốn nghị quyết đều thống nhất mục tiêu: xây dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Nghị quyết 66 yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật minh bạch, hiện đại, bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Nghị quyết 57 xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột tăng trưởng mới. Nghị quyết 59 mở rộng không gian phát triển thông qua hội nhập quốc tế chủ động, tích cực. Nghị quyết 68 thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực trung tâm cho nền kinh tế…
Nguồn: Liên đoàn Vật lý Địa chất ./.