Bài 1: ĐẶC ĐIỂM KIẾN TẠO HIỆN ĐẠI VÙNG VEN BIỂN QUẢNG NGÃI – QUY NHƠN VÀ Ý NGHĨA ĐỐI VỚI CÁC TAI BIẾN ĐỊA CHẤT
NGUYỄN XUÂN NAM(1), HOÀNG NGÔ TỰ DO(2), NGUYỄN CHÍ TRUNG(3)
ĐÀO VĂN NGHIÊM(4), LÊ MINH HIẾU(4), ĐỖ VĂN VINH(5)
1 Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Hà Nội; 2 Trường Đại học Khoa học Huế, Thành phố Huế; 3 Trường Đại học Đà Nẵng, Thành phố Đà Nẵng; 4 Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Hà Nội;
5 Công ty TNHH Khoáng sản Mê Kông, Tây Hồ, Hà Nội.
Tóm tắt: Vùng ven biển Quảng Ngãi – Quy Nhơn có các biểu hiện hoạt động Tân kiến tạo cũng như kiến tạo Hiện đại đa dạng đó là: sự xê dịch trầm tích Đệ tứ; Hoạt động núi lửa trong giai đoạn Neogen – Đệ tứ; Xuất lộ nước khoáng nóng; Hoạt động nâng, hạ địa hình; Hoạt động của đứt gãy. Các hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong luận giải nguyên nhân gây nên tai biến địa chất, đặc biệt là tai biến địa chất do cộng hưởng hoạt động nội sinh và hoạt động ngoại sinh. Hệ thống đứt gãy phương á kinh tuyến là hệ thống đứt gãy trẻ nhất trong vùng nghiên cứu, hoạt động của chúng tạo nên những khối nâng, sụt địa phương. Sự phát triển của các vách bóc mòn dạng tam giác, rãnh xói, mương xói, trượt đất, lở đá, nứt đất, xâm thực hoặc xói lở bờ biển là biểu hiện gián tiếp của các hoạt động kiến tạo hiện đại trong vùng nghiên cứu. Trên cơ sở đó đề xuất các nhóm chính sách và giải pháp phòng ngừa, ứng phó tai biến địa chất phục vụ phát triển bền vững vùng ven biển nói chung, vùng nghiên cứu nói riêng.
Bài 2: ĐẶC ĐIỂM TÂN KIẾN TẠO VÙNG VEN BIỂN THỪA THIÊN – HUẾ ĐOẠN TỪ THUẬNAN ĐẾN CẢNH DƯƠNG VÀ Ý NGHĨA CỦA CHÚNG ĐỐI VỚI TAI BIẾN ĐỊA CHẤT
PHÍ THỊ PHƯƠNG THẢO, LÊ THỊ DUNG
1Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Hà Nội
Tóm tắt: Vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên – Huế đoạn từ Thuận An đến Cảnh Dương là khu vực có đặc điểm địa chất phức tạp bao gồm sự tồn tại rộng rãi của các hệ thống đứt gãy cổ và Tân kiến tạo. Các hệ thống đứt gãy Tân kiến tạo và Hiện đại khá phổ biến và phân bố theo nhiều hướng khác nhau gồm á kinh tuyến, đông bắc – tây nam và tây bắc – đông nam, hoặc á vĩ tuyến. Các cấu trúc này được nhận dạng bởi nhiều dấu hiệu trực tiếp và gián tiếp khác nhau. Sự dịch chuyển dọc theo các đới đứt gãy tân kiến tạo và hiện đại có ảnh hưởng lớn đến sự phân dị địa hình khu vực nghiên cứu trong đó có sự nâng cao và hạ thấp địa hình mang tính địa phương, sự thay đổi hình thái của sông suối và sự hình thành hay vùi lấp vùng cửa sông. Sự vận động Tân tiến tạo và Hiện đại cũng gây ra các tai biến địa chất cục bộ, trong đó các khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển hoặc biển lấn, trượt lở thường trùng với khu vực sụt lún hoặc tồn tại các đứt gãy hoạt động. Ngược lại hiện tượng bồi tụ vùng cửa sông hoặc mở rộng đới bờ biển thường liên quan đến khu vực có biểu hiện nâng kiến tạo tương đối.
Bài 3: ĐẶC ĐIỂM BIẾN DẠNG TÂN KIẾN TẠO VÙNG VEN BIỂN TUY HÒA, PHÚ YÊN VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ ĐỐI VỚI TAI BIẾN ĐỊA CHẤT
BÙI THỊ MẾN, NGUYỄN THỊ VÂN, MAI VĂN CƯỜNG
Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Phường Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tóm tắt: Vùng Tuy Hòa nằm ở rìa Đông của địa khối Kon Tum được cấu tạo bởi các thành tạo địa chất đa dạng bao gồm các đá trầm tích, phun trào và magma xâm nhập tuổi từ Paleozoi muộn tới Kainozoi, phủ trên là các thành tạo trầm tích và ít phun trào mafic tuổi Neogen – Đệ tứ. Vùng này bị biến dạng mạnh mẽ dưới tác động của các vận động kiến tạo diễn ra trong nhiều giai đoạn khác nhau và kéo dài đến thời gian gần đây. Các biểu hiện của vận động kiến tạo bao gồm các hệ thống đứt gãy cổ và Tân kiến tạo và các chuyển động nâng hạ kiến tạo với các dấu hiệu trực tiếp và gián tiếp rõ ràng. Hoạt động kiến tạo mạnh mẽ không chỉ tạo ra sự phân dị đa dạng về địa mạo khống chế bởi cấu trúc đá móng mà còn gây ra các tai biến địa chất như trượt lở, xói lở vùng cửa sông Đà Rằng và Bàn Thạch cũng như sụt lún kiến tạo cục bộ. Các vùng bị tai biến mạnh thường bị khống chế bởi các hệ thống đứt gãy hoặc đới dập vỡ tân kiến tạo. Tác động của các vận động kiến tạo hiện đại chính là các tiền đề thúc đẩy các hoạt động ngoại sinh gây tai biến địa chất. Việc nhận dạng đúng đắn sự tồn tại của các yếu tố kiến tạo hiện đại có ý nghĩa quan trọng trong việc dự báo và đề ra các biện pháp giảm thiểu tai biến địa chất trong vùng Tuy Hòa, đặc biệt trong bối cảnh nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Bài 4: TÁC ĐỘNG CỘNG HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
VÀ KIẾN TẠO HIỆN ĐẠI TRONG NGHIÊN CỨU DỰ BÁO VÀ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI KHU VỰC VEN BIỂN MIỀN TRUNG VIỆT NAM
LƯU ĐỨC HẢI1, NGUYỄN THỊ HOÀNG LIÊN1, TRẦN THANH HẢI2, NGUYỄN THỊ NỤ2
1 Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội; 2Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Hà Nội
Tóm tắt: Bài báo trình bày một số kết quả phân tích bước đầu về tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu và kiến tạo Hiện đại trong nghiên cứu dự báo và phòng chống thiên tai khu vực ven biển miền Trung Việt Nam. Bằng phương pháp sơ đồ nhận thức có thể phân chia các tai biến thiên nhiên thành ba nhóm lớn: thiên tai phát sinh từ đặc điểm kiến tạo Hiện đại và Tân kiến tạo; thiên tai phát sinh từ tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai phát sinh do cộng hưởng (tích hợp) của tai biến địa chất bắt nguồn từ đặc điểm kiến tạo Hiện đại và tai biến phát sinh do biến đổi khí hậu. Dựa vào số liệu và khảo sát thực tế, các tác giả đã chứng minh sự tồn tại của các thiên tai là kết quả tác động cộng hưởng hoặc tích hợp của tai biến địa chất phát sinh đặc điểm kiến tạo Hiện đại với tai biến môi trường do nguyên nhân biến đổi khí hậu ở nhiều vùng ven biển miền Trung Việt Nam; cụ thể như tính bất ổn định của vùng cửa sông chịu tác động cộng hưởng của cấu trúc đứt gãy địa chất hiện đại ở bờ biển và biến đổi khí hậu tại các vùng cửa sông; tác động cộng hưởng của nâng hạ địa hình do kiến tạo Hiện đại và dâng cao mực nước biển do biến đổi khí hậu tạo ra tình trạng úng ngập và xói lở bờ biển; dịch chuyển dòng chảy và cửa sông do tác động thay đổi chế độ thủy văn và hải văn cộng hưởng với quá trình hoạt động mạnh mẽ của các đứt gãy địa chất.
Bài 5: TÁCH CHIẾT CÁC THÔNG TIN VỀ ĐẶC ĐIỂM KIẾN TẠO HIỆN ĐẠI TRÊN CƠ SỞ PHÂN TÍCH ẢNH VIỄN THÁM VÀ XỬ LÝ KHÔNG GIAN GIS KHU VỰC DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ
NGUYỄN NGỌC THẠCH1, PHẠM XUÂN CẢNH1, HÀ THỊ BÍCH PHƯỢNG1, TRẦN THANH HẢI2
1Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội; 2Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Hà Nội
Tóm tắt: Sử dụng nguồn tư liệu DEM và tư liệu đa thời gian của ảnh Landsat (cho tỷ lệ trung bình) và ảnh Spot (cho tỷ lệ lớn), kỹ thuật giải đoán bằng mắt đã lựa chọn được các tổ hợp màu giả khác nhau tối ưu cho các phân tích về đứt gãy khe nứt hiện đại, thành phần thạch học và các loại địa hình hiện đại có nguồn gốc khác nhau. Dấu ấn của chuyển động tân kiến tạo được thể hiện rõ nét thông qua các thông tin về đặc điểm phân bố của các dạng địa hình với nguồn gốc và độ cao phân bố khác nhau, từ đó có thể tách chiết các hệ thống đứt gãy – khe nứt kiến tạo hiện đại, các cấu trúc nâng hạ và sự bồi xói của bờ sông, bờ biển.
Kết quả phân tích, xử lý thông tin cho thấy chuyển động kiến tạo hiện đại có phương TB-ĐN là chủ đạo ở phía bắc và phía nam của khu vực, còn ở phần trung tâm, phương chuyển động chủ đạo là á kinh tuyến và ĐB-TN với mật độ đứt gãy kiến tạo hiện đại thay đổi từ 0,2-0,6 km/km2. Các phương chuyển động là nguyên nhân chính tạo nên sự phân dị địa hình và chi phối hình dạng, quy luật phân bố theo không gian của các dạng địa hình hiện đại có nguồn gốc sông, sông biển, đầm lầy, gió biển và biển cũng như chi phối phần lớn các loại hình tai biến thiên nhiên ở trong khu vực.
HOÀNG NGÔ TỰ DO1, TRẦN THANH HẢI2, ĐẶNG VĂN BÁT3
1Trường Đại học Khoa học Huế, Tp. Huế; 2Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Hà Nội;
3Tổng hội Địa chất Việt Nam, Hà Nội
Tóm tắt: Các hệ thống đứt gãy Tân kiến tạo – Hiện đại tại khu vực đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam đã được nhận dạng trong đó có 4 hệ thống chính: hệ thống đứt gãy theo phương TB-ĐN có tuổi cổ hơn, hệ thống phương ĐB-TN có tuổi trẻ hơn cắt qua hệ thống trên, hệ thống đứt gãy á kinh tuyến và hệ thống đứt gãy á vĩ tuyến phát triển ở quy mô nhỏ hơn và thường là các đứt gãy nhánh của các hệ thống trên. Các đứt gãy trẻ nhất có phương TB-ĐN và ĐB-TN cắt qua tất cả cấu trúc có trước. Sự tồn tại và quan hệ xuyên cắt giữa chúng đã dẫn tới sự phân cắt mạnh mẽ đá móng, tạo nên hàng loạt khối cấu trúc và các đới nâng hoặc sụt lún cục bộ trong khu vực. Các tác giả đã nhận dạng được các vùng có mức độ sụt lún khác nhau từ mạnh (biên độ sụt lún 100-135 m) – trung bình (biên độ sụt lún 50-100 m) – yếu (biên độ sụt lún 20-50 m) và các vùng nâng kiến tạo khác nhau. Trong số các khu vục biến động kiến tạo, đã xác định được 2 vòm nâng và 5 vòm hạ có các biểu hiện hoạt động hiện đại.
Bài 7: ĐẶC ĐIỂM VÀ QUY LUẬT PHÂN BỐ TRẦM TÍCH TẦNG MẶT ĐÁY BIỂN VEN BỜ TỈNH BÌNH ĐỊNH
HOÀNG VĂN LONG1, VŨ TRƯỜNG SƠN2, TRỊNH NGUYÊN TÍNH3,
LÊ ANH THẮNG3, TRỊNH THANH TRUNG4, TRẦN THỊ OANH5
1Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Hà Nội; 2Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo, Hà Nội; 3Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển, Hà Nội; 4Cục Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo, Hà Nội; 5Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc, Hà Nội
Tóm tắt: Kết quả tổng hợp tài liệu phân tích độ hạt, địa mạo, sa khoáng và thủy thạch động lực cho thấy trầm tích tầng mặt của vùng nghiên cứu được chia thành ba đới: Đới đầm phá ven bờ gồm trầm tích hạt mịn lắng đọng trong môi trường khử, năng lượng dòng chảy yếu; Đới ven bờ tích tụ trầm tích hạt thô, chịu chế độ sóng và thủy triều mạnh; Đới gần bờ gồm trầm tích bột, sét lẫn cát sạn lắng đọng trong môi trường biển sâu hơn; Quy luật phân bố chung của trầm tích gần bờ phân bố hạt thô được cung cấp bởi nguồn địa phương, có độ chọn lọc và mài tròn kém, càng ra xa bờ thì tỷ lệ hạt thô càng giảm, trầm tích hạt mịn chiếm ưu thế. Các tập cuội, sạn màu nâu đỏ phân bố ở độ sâu 40-50 m nước là sản phẩm của quá trình phong hóa tàn dư trong thời kỳ băng hà trước biển tiến Flandrian; Các thành tạo trầm tích cuội, sạn và cát hạt thô là những đối tượng triển vọng về vật liệu xây dựng trong khi các tập cát hạt mịn có độ chọn lọc tốt thường có hàm lượng sa khoáng tập trung cao hơn.
Bài 8: HÓA THẠCH FORAMINIFERA TRONG TRẦM TÍCH ĐỆ TỨ –
HIỆN ĐẠI VÙNG BIỂN THỪA THIÊN – HUẾ (0-30 m NƯỚC)
NGÔ THỊ KIM CHI1, MAI VĂN LẠC1, HOÀNG VĂN LONG1, TRỊNH NGUYÊN TÍNH2,
LÊ ANH THẮNG2, ĐÀO VĂN NGHIÊM1, PHAN VĂN BÌNH1, NGUYỄN HỮU HIỆU2
1Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Hà Nội; 2Trung tâm Điều tra Tài nguyên – Môi trường biển, Hà Nội
Tóm tắt: Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu các di tích Foraminifera trong trầm tích Đệ tứ – Hiện đại vùng biển Thừa Thiên – Huế (0-30 m). Trên cơ sở kết quả phân tích 77 mẫu đã xác định được 82 loài thuộc về 5 phụ bộ Foraminifera theo hệ thống phân loại của Loeblich A.R và Tappan H., cụ thể gồm các phụ bộ sau: Phụ bộ Miliolina Delage and Héouard, 1896, gồm 6 họ, 16 giống, 35 loài; Phụ bộ Rotaliina Delage and Héouard, 1896, gồm 11 họ, 14 giống, 25 loài; Phụ bộ Textulariina, Delage and Héouard, 1896, gồm 5 họ, 7 giống, 11 loài; Phụ bộ Lagenina, Delage and Héouard, 1896, gồm 3 họ, 3 giống, 5 loài; Phụ bộ Globigerinina Delage and Héouard, 1896, gồm 1 họ, 3 giống, 6 loài. Tất cả chúng đều thuộc nhóm sinh thái biển nông gần bờ, ven bờ, nơi có nồng độ muối trong nước không ổn định và có chế độ thủy động lực tương đối cao.
Bài 9: PHÂN LOẠI ĐỊA HÌNH VÙNG VEN BIỂN QUẢNG NGÃI –
QUY NHƠN TRÊN QUAN ĐIỂM ĐỊA MẠO – KIẾN TẠO
NGUYỄN XUÂN NAM1, TRẦN THANH HẢI2, LÊ MINH HIẾU2
HOÀNG NGÔ TỰ DO3, NGUYỄN CHÍ TRUNG4, ĐỖ VĂN VINH5
1Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Hà Nội; 2Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Hà Nội;
3Trường Đại học Khoa học Huế, Thành phố Huế; 4Trường Đại học Đà Nẵng, Thành phố Đà Nẵng; 5Công ty TNHH Khoáng sản Mê Kông, Tây Hồ, Hà Nội
Tóm tắt: Địa hình vùng ven biển Quảng Ngãi – Quy Nhơn được phân loại dựa trên quan điểm địa mạo – kiến tạo. Nguồn gốc tạo nên địa hình được phân tích nhằm gián tiếp phát hiện hoạt động kiến tạo. Theo đó tập thể tác giả chia thành 6 nhóm nguồn gốc: Địa hình do hoạt động núi lửa, địa hình do hoạt động bóc mòn, địa hình do hoạt động của sông, địa hình do hoạt động của biển, địa hình do hoạt động hỗn hợp sông-biển, và địa hình do hoạt động nhân sinh. Trừ hoạt động núi lửa là hoạt động nội sinh trực tiếp, các hoạt động còn lại đều thuộc hoạt động ngoại sinh, tuy nhiên gián tiếp phản ánh tác động nội sinh lên địa hình, đó là bề mặt san bằng, bề mặt thềm sông, thềm biển, hay hỗn hợp trầm tích sông-biển, bị chia cắt, dịch chuyển và phân bố ở những độ cao khác nhau. Hình thái đường bờ biển gồm 3 kiểu là đường bờ mài mòn, đường bờ bồi tụ và đường bờ xói lở. Chúng không chỉ chịu tác động của hoạt động ngoại sinh mà còn chịu tác động nội sinh trong giai đoạn Tân kiến tạo và kiến tạo Hiện đại
Bài 10: ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC KIẾN TẠO VÙNG VEN BỜ QUẢNG NGÃI – BÌNH ĐỊNH
NGUYỄN HỮU HIỆU1, TRẦN THANH HẢI2,
LÊ ANH THẮNG1, NGÔ THANH THỦY1, NGUYỄN TÀI THINH3
1Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển, Hà Nội; 2Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Hà Nội;
3Hội Khoa học Kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam, Hà Nội
Tóm tắt: Kết quả nghiên cứu về đặc điểm địa chất mới cho thấy vùng ven bờ Quảng Ngãi – Bình Định (0-60m nước) có cấu trúc địa chất phức tạp, gồm nhiều hệ thống đứt gãy á kinh tuyến, á vĩ tuyến, tây bắc – đông nam và đông bắc – tây nam. Các cấu trúc này là phần kéo dài hoặc kế thừa từ trên đất liền. Các hệ thống đứt gãy trên có biểu hiện hoạt động trong Đệ tứ, thể hiện bởi sự xuyên cắt của chúng và làm dịch chuyển các thành tạo trầm tích trẻ nhất cũng như các biểu hiện động đất và xuất lộ nước khoáng dọc theo các đứt gãy này. Các đứt gãy đang hoạt động trong Đệ tứ có thể gây ra các tai biến địa chất như nâng hạ kiến tạo, động đất, xói lở, biến dạng đường bờ và sụt lở… Chính vì thế, việc nghiên cứu, đánh giá kiến tạo hiện đại có ý nghĩa quan trọng trong việc dự báo và phòng tránh các tai biến địa chất trong khu vực nghiên cứu.
TIN ĐỊA CHẤT
GS.TSKH.NGND TỐNG DUY THANH
CÂY ĐẠI THỤ CỦA KHOA HỌC ĐỊA CHẤT VIỆT NAM