Tạp chí địa chất Số 356, 3-4/2016

Pinterest LinkedIn Tumblr +

THƯ CHÚC MỪNG CỦA PGS. TS. LÊ HẢI AN Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ – Địa chất gửi cán bộ và giảng viên Bộ môn Địa chất, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ môn (1956 – 2016)

Bài 1: BỘ MÔN ĐỊA CHẤT – TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỎ – ĐỊA CHẤT:
60 NĂM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

TRẦN THANH HẢI

Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Hà Nội

Bài 2: ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC PHẦN ĐÔNG NAM ĐỚI KHÂU
TAM KỲ – PHƯỚC SƠN VÀ Ý NGHĨA VAI TRÒ CỦA CHÚNG ĐỐI VỚI
BÌNH ĐỒ KIẾN TẠO KHU VỰC

TRẦN THANH HẢI1, BÙI THI MẾN1, NGUYỄN QUỐC HƯNG1, NGUYỄN TRƯỜNG GIANG2, HOÀNG NGÔ TỰ DO3

1Trường Đại học Mỏ – Địa chất; 2Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm; 3Đại học Khoa học Huế

Tóm tắt: Phần đông nam của Đới khâu Tam Kỳ – Phước Sơn lộ ra ở vùng đông nam Quảng Nam – bắc Quảng Ngãi. Đây là đới biến dạng đa kỳ quy mô lớn với 5 pha biến dạng chồng nhau. Pha biến dạng sớm nhất (D1) tạo nên một đới biến dạng siêu cao dày hàng kilômét đặc trưng bởi quá trình mylonit hóa mạnh mẽ các đá tuổi trước Silur, vây quanh các thể sót kiến tạo phân dị từ các đá magma xâm nhập và phun trào siêu mafic tới felsic hoặc trầm tích đa nguồn. Các dấu hiệu động học cho thấy đây là cấu trúc biến dạng chờm nghịch quy mô khu vực hình thành do va chạm địa mảng. Các cấu tạo thuộc pha 1 bị uốn nếp và đứt gãy bởi pha biến dạng 2 (D2) tạo nên cấu trúc uốn nếp – chờm nghịch phương TB-ĐN. Các cấu tạo trên bị tái biến dạng bởi pha biến dạng 3 (D3) tạo nên các nếp uốn nhẹ và đứt gãy phương ĐB-TN. Các cấu tạo này lại bị phá hủy bởi các đứt gãy và dập vỡ dòn của pha biến dạng thứ 4 (D4) và thứ 5 (D5). Pha biến dạng 1 liên quan tới sự va chạm mảng trong Ordovic-Silur tạo nên địa khối Đông Dương nguyên thủy. Pha biến dạng 2 diễn ra trong giai đoạn cuối Paleozoi-đầu Mesozoi liên quan tới tạo núi Indosini do sự phá hủy Paeotethys và hội nhập Sibumasu – Đông Dương. Các cấu tạo muộn hơn là hậu quả của sự tương tác các địa mảng xung quanh địa khối Đông Dương như Shan-Thái, Tây Myanmar, Luconia – Trường Sa và Ấn Độ với Âu-Á trong giai đoạn cuối Mesozoi-Kanozoi và vẫn đang tiếp diễn đến hiện tại.

Bài 3: BẢN CHẤT KIẾN TẠO CỦA CÁC ĐÁ META-MAFIC
HỆ TẦNG HUỔI HÀO KHU VỰC CHIỀNG KHƯƠNG, SƠN LA

NGÔ XUÂN THÀNH1, NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY2

1Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Hà Nội; 2Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Hà Nội

Tóm tắt: Các đá phiến lục của hệ tầng Huổi Hào khu vực Chiềng Khương, Sơn La đã được xem là một phần thuộc tổ hợp ophiolit dọc đới khâu Sông Mã, là phần sót của một vỏ của đại dương cổ bị đẩy trồi lên rìa lục địa giữa khối Đông Dương và khối Việt-Trung. Các đá này bị phân phiến và biến dạng một cách mạnh mẽ tạo nên các cấu tạo mylonit, cấu tạo nếp uốn đảo, dạng bao kiếm điển hình cho các quá trình biến dạng liên quan đến pha hút chìm và đới va chạm. Nghiên cứu thành phần địa hóa tổng cho thấy mẫu nghiên cứu có nhiều đặc trưng của đá hình thành liên quan đến quá trình hút chìm và hoàn toàn không giống kiểu basalt hình thành từ sống núi đại dương thực thụ (MORB), chúng tương đồng hơn với basalt vỏ đại dương đới trước cung. Kết quả này cũng như những luận giải đưa ra dựa trên cơ sở các lý thuyết kiến tạo hiện đại đã góp phần giải thích những đặc trưng thành phần đá ophiolit hệ tầng Huổi Hào trước đây. Kết hợp với nghiên cứu trước đây về các đá peridotit trong khu vực cho thấy tổ hợp ophiolit Sông Mã gồm các đá phần manti và phần vỏ của thạch quyển đại dương, chúng tương đồng về môi trường kiến tạo.

Bài 4: TUỔI ĐỒNG VỊ U-Pb ZIRCON CỦA SYENIT PHỨC HỆ
PU SAM CÁP
VÀ Ý NGHĨA ĐỊA CHẤT CỦA NÓ

NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Hà Nội

Tóm tắt: Phức hệ Pu Sam Cáp có thành phần thạch học đa dạng gồm, granosyenit, syenit,syenit kiềm granit kiềm lộ ra dưới dạng các khối xâm nhập nhỏ. Đá thường có màu xám, xám sáng, cấu tạo khối rắn chắc, kiến trúc dạng porphyr tương đối rõ nét với các ban tinh thường là felspat kali. Thành phần khoáng vật tạo đá chính là felspat kali, plagioclas, biotit, pyroxen và amphibol kiềm. Khoáng vật phụ thường gặp trong các mẫu phân tich có sphen, apatit và zircon. Zircon tách từ hai mẫu syenit lấy ở Chinh Sáng có kích thước dao động từ 120μm đến 250 μm. Hầu hết các hạt zircon có dạng gần đẳng thước, tự hình, phân đới đều, thanh nét chứng tỏ chúng có nguồn gốc magma. Tuổi kết tinh của đá xác định bằng đồng vị U-Pb zircon theo kỹ thuật bào mòn đơn điểm nhờ tia laser và đo trên thiết bị ICP-MS là 35 Tr.n. Các thành tạo magma phức hệ Pu Sam Cáp là sản phẩm minh chứng cho sự tồn tại một giai đoạn hoạt động magma và phát triển vỏ lục địa vùng nghiên cứu vào Paleogen.

Bài 5: MAGMA XÂM NHẬP ĐA KỲ DỌC RÌA BỒN TRŨNG MESOZOI NÔNG SƠN, MIỀN TRUNG VIỆT NAM VÀ Ý NGHĨA KIẾN TẠO CỦA NÓ

NGUYỄN TRƯỜNG GIANG1, TRẦN THANH HẢI2

1Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm, Hà Nội; 2 Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Hà Nội

Tóm tắt: Khu vực ven rìa Bồn trũng Mesozoi Nông Sơn lộ ra nhiều đá magma xâm nhập được xếp vào các phức hệ khác nhau. Kết quả định tuổi U-Pb zircon tách từ 07 mẫu granitoid bằng phương pháp pha loãng đồng vị cho thấy tuổi của chúng dao động từ 416 Tr.n đến 241 Tr.n. Trên cơ sở đối sánh với số liệu hiện có về tuổi và bối cảnh kiến tạo khu vực, có thể chia lịch sử hình thành các đá magma vùng nghiên cứu thành 3 nhịp: Nhịp 1 bao gồm các thể granit Kiểu S đồng tạo núi tuổi từ 450 Tr.n đến 416 Tr.n; Nhịp 2 từ 303 đến 256 Tr.n, tập trung phổ biến trong khoảng 294296 Tr.n, mang đc điểm đặc trưng của granit kiểu I, liên quan với hút chìm; Nhịp 3 gồm các đá cao nhôm Kiểu S, đồng tạo núi Indosini tuổi từ 252 Tr.n đến 241 Tr.n. Các kết quả phân tích mới này cũng chỉ ra sự có mặt của sự kiện kiến tạo nhiệt Caledoni và Indosini trong vùng nghiên cứu.

Bài 6: ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI, THÀNH PHẦN VÀ TUỔI ZIRCON TRONG TRẦM TÍCH HỆ TẦNG NẬM CÔ VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ ĐỐI VỚI ĐỊA CHẤT KHU VỰC

 BÙI VINH HẬU1,2, NGÔ XUÂN THÀNH1

1Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Hà Nội; 2Trường Đại học Quốc gia Chungbuk, Hàn Quốc

Tóm tắt: Hệ tầng Nậm Cô thuộc đới khâu Sông Mã, tây bắc Việt Nam, thành phần chủ yếu là các thành tạo trầm tích bị biến chất từ tướng đá phiến lục đến tướng amphibolit bao gồm có các đá gneis, đá phiến thạch anh mica, đá phiến granat 2 mica, amphibolit, đá vôi silic. Hai mẫu cát kết biến chất được lấy ở trung tâm và phía đông bắc hệ tầng Nậm Cô để nghiên cứu và tách khoáng vật zircon. Phân tích hình thái cho thấy chúng thường có hình dạng tự hình, độ mài mòn kém và có sự phân đới đặc trưng của zircon từ magma. Tỷ lệ Th/U cao (phần lớn >0,5), điển hình cho zircon nguồn magma.Tuổi đồng vị U-Pb của các khoáng vật zircon này tập trung trong khoảng 736-769 Tr.n đồng thời là tuổi trẻ nhất của vật liệu trầm tích hệ tầng Nậm Cô. Đặc điểm hình thái, cấu trúc bên trong, thành phần cũng như tuổi zircon cho thấy các trầm tích của hệ tầng Nậm Cô được hình thành trong đới rìa lục địa tích cực phía tây và tây nam của địa khối Nam Trung Hoa trong thời kỳ Neo-Proterozoi.

Bài 7: NGUỒN GỐC QUẶNG HÓA ĐỒNG MỎ SUỐI THẦU, BÁT XÁT, LÀO CAI VÀ Ý NGHĨA ĐỊA CHẤT KHU VỰC

TRẦN MỸ DŨNG1, BÙI THỊ THU HIỀN2

1Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Hà Nội; 2Đại Học Mỏ – Địa chất, Hà Nội

Tóm tắt: Kết quả nghiên cứu cho thấy quặng hóa đồng trong khu mỏ Suối Thầu và vùng lân cận có thể liên quan đến magma Neo-Proterozoi phân bố rộng rãi tại rìa đông bắc đới Phan Si Pan. Mối quan hệ giữa quặng hóa và thành tạo xâm nhập đã được chứng minh bằng kết quả nghiên cứu về đặc điểm quặng hóa, đặc điểm biến đổi nhiệt dịch đá vây quanh, đặc điểm bao thể khí lỏng, kết quả phân tích đồng vị O-H và S. Các bao thể khí lỏng trong thạch anh có giá trịδD dao động trong khoảng từ -41,9‰ đến -68,8‰ và thạch anh có giá trị δ18O trong khoảng từ 11,9‰ đến 13,2‰. Ở nhiệt độ 300oC, dung dịch tạo quặng cân bằng với thạch anh có đồng vị δ18O biến thiên trong khoảng từ 7,9 đến 9,2‰. Biểu đồ tương quan giữa δDnướcδ18Onướccho thấy dung dịch tạo khoáng hóa đồng mỏ Suối Thầu có nguồn gốc magma. Giá trị δ34S cho chalcopyrit và pyrotin khá đồng nhất, biến thiên hẹp trong khoảng từ 1,84‰ đến 3,57 ‰, chứng tỏ lưu huỳnh cũng có nguồn gốc magma.  

Bài 8: NGHIÊN CỨU HÓA THẠCH VI CỔ SINH TUỔI DEVON MUỘN – CARBON SỚM TRONG CÁC ĐÁ SILIC THUỘC ĐỚI UỐN NẾP TRƯỜNG SƠN, BẮC TRUNG BỘ, VÀ Ý NGHĨA CỦA CHÚNG TRONG SƠ ĐỒ TIẾN HÓA ĐỊA CHẤT KHU VỰC

NGUYỄN MINH QUYỀN1,2, VŨ ANH ĐẠO2, LÊ MINH HIẾU2

1Trường Đại Học Địa Chất Trung Quốc (Vũ Hán); 2Trường Đại Học Mỏ – Địa Chất, Hà Nội

Tóm tắt: Những vi hóa thạch Trùng tia (Radiolaria) và Vỏ nón (Tentaculites) bảo tồn trong các đá silic (chert) thuộc mặt cắt Minh Hóa, hệ tầng Ngọc Lâm và mặt cắt Đức Thọ, hệ tầng Thiên Nhẫn lần lượt phân bố ở hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đã được tiến hành nghiên cứu một cách chi tiết. Các hóa thạch Vỏ nón Striatostyliolina striata, Styliolina sp. và Trùng tia Entactinia cometes chứng tỏ các đá silic chứa chúng của hệ tầng Ngọc Lâm có tuổi Devon muộn. Tuổi này cũng trùng khớp với tuổi đã được công bố trong các văn liệu trước đây. Trong khi đó, dựa vào hai hóa thạch Trùng tia Archocyrtium? sp., Belowea variabilis bảo tồn tương đối hoàn thiện được phát hiện trong nghiên cứu này, kết hợp với những hóa thạch khác được tìm thấy trong những nghiên cứu trước đây, tác giả xếp hệ tầng Thiên Nhẫn có tuổi Devon muộn – Carbon sớm. Về môi trường trầm tích, dưới góc độ sinh vật học, với sự xuất hiện của hóa thạch Vỏ nón Styliolina và hóa thạch Trùng tia Archocyrtium chứng tỏ các đá silic trong khu vực nghiên cứu có thể được lắng đọng trong một bồn trũng nước sâu. Các đá silic chứa Vỏ nón và Trùng tia tuổi Devon muộn – Carbon sớm được lắng đọng trong môi trường nước sâu tại khu vực rìa lục địa cũng đã được tìm ra ở một số khu vực khác tại Lào. Điều này chứng tỏ có thể đã có một hệ thống rìa lục địa phát triển kéo dài dọc bên trong đới uốn nếp Trường Sơn trong suốt giai đoạn Devon muộn – Carbon sớm.

Bài 9: ĐẶC ĐIỂM TRẦM TÍCH PLEISTOCEN TRÊN – HOLOCEN VÙNG BIỂN NÔNG (0-30 m) KHU VỰC ĐIỀN HƯƠNG – PHÚ THUẬN, THỪA THIÊN-HUẾ

NGÔ THỊ KIM CHI1, HOÀNG VĂN LONG1, TRỊNH NGUYÊN TÍNH2, LÊ ANH THẮNG2, MAI VĂN LẠC3, ĐÀO VĂN NGHIÊM1, NGUYỄN MINH QUYỀN1, NGUYỄN HỮU HIỆU2, NGUYỄN HỮU HIỆP1, PHAN VĂN BÌNH1, DOÃN THỊ NGA4

1Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Hà Nội; 2Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển, Hà Nội;
3Tổng Hội Địa chất, Hà Nội; 4Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm, Hà Nội

Tóm tắt: Vùng biển nông (0-30 m nước) khu vực Điền Hương – Phú Thuận, Thừa Thiên – Huế thuộc thềm trong của thềm lục địa miền Trung Việt Nam. Đây là một trong những cấu trúc địa chất khá thuận lợi cho việc nghiên cứu quá trình tương tác lục địa – đại dương, đặc biệt trong giai đoạn Holocen. Trong bài báo này, tập thể tác giả trình bày một số kết quả nghiên cứu chi tiết về đặc điểm trầm tích Pleistocen trên – Holocen của khu vực dựa trên các số liệu phân tích vi cổ sinh (Foraminifera), thành phần và độ hạt trầm tích. Theo nguyên tắc tuổi và môi trường thành tạo, các trầm tích Holocen trong khu vực nghiên cứu xác định làm 6 đơn vị địa tầng với các đặc trưng riêng về thành phần, vi cổ sinh và môi trường trầm tích. Phần lớn diện tích bề mặt khu vực nghiên cứu được phủ bởi các trầm tích Holocen hạt thô, độ chọn lọc tốt. Về thành phần trầm tích khá đơn giản (chủ yếu là thạch anh, ngoài ra có một lượng nhỏ mảnh đá, khoáng vật mica, feldspat, granat, zircon, ilmenit, rutil, tourmalin và nghèo vi sinh vật). Phần còn lại, chủ yếu rải rác ở độ sâu 10-25 m và ở dưới sâu 28-36 m (trong tuamalin, trầm tích mbQ13b-Q22) là các trầm tích có hạt mịn hơn như bùn, bùn cát, giàu Foram. Mối quan hệ giữa độ hạt và số lượng vi sinh vật thể hiện khá rõ. Khu vực có chế độ thủy năng mạnh, hạt thô (cát) khó bảo tồn vi sinh vật, ngược lại ở nơi nước yên tĩnh bảo tồn Foram trong trầm tích hạt mịn (bột, sét) tốt hơn.

Share.

Leave A Reply

LIÊN ĐOÀN VẬT LÝ ĐỊA CHẤT

Website: https://vatlydiachat.gov.vn/
Địa chỉ cơ quan: Số 1 Ngõ 95 đường Chiến Thắng, phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243 8540448
Fax: 0243 8542223
Email: ldvldc@monre.gov.vn